DANH MỤC SẢN PHẨM

Đánh giá laptop Avita Liber V14 : Mỏng nhẹ , vỏ nhôm nguyên khối

Anh Điền
Thứ Sáu, 06/08/2021

Đánh giá laptop Avita Liber V14

Avita Liber V14 lạ mà quen ! Quen là vì thương hiệu Avita này mình đã từng có bài đánh giá mẫu Liber U14, đây là 1 sản phẩm có thể coi như 1 làn gió mới, mang tới sự đa dạng, độc đáo hơn cho phân khúc laptop văn phòng tại thị trường Việt Nam. Lạ ở đây là nhân vật chính trong bài viết này dù cũng chung “gia đình” Avita, cũng được phát triển cho phân khúc laptop văn phòng phổ thông, nhưng lại mang nét chân phương hơn, có phần thực dụng hơn so với “người anh em” thời trang và độc đáo kia.


A. Những điểm mình thấy ổn, mình thích

1. Thiết kế mang tính chân phương và thực dụng, có phần hơi “dị”

Nếu mẫu Liber U14 gây ấn tượng với người dùng bởi 5 màu sắc cá tính nổi bật, và các hoa văn họa tiết độc đáo bắt mắt khác nhau. Thì với V14 dù người dùng cũng sẽ có 5 tùy chọn màu sắc để lựa chọn, nhưng sản phẩm này lại có hơi hướng “cổ điển” mang chất thực dụng hơn, các hoa văn họa tiết 3D thời trang cũng không xuất hiện trên V14. Mẫu laptop mình đang cầm có màu bạc Cloud Silver, ngoài ra V14 còn có các màu: Matt Black, Blossom Pink, Angel Blue và Fragant Lilac.

Về tính thực dụng thì trong 3 ngày giữ máy để trải nghiệm, thì mình nhận thấy thiết kế kiểu dáng phần khung vỏ của Avita Liber V14 khá “dị” so với đại đa số các mẫu laptop văn phòng có trên thị trường hiện nay, nhìn hình bên dưới các bạn có thể thấy phần nắp máy (giữa cạnh trên và 2 bên góc) không bo liền mạch với khung dưới, mà lại được làm hơi lồi ra. Chi tiết “dị” này theo suy nghĩ cá nhân mình là để người dùng có thể dễ dàng mở nắp máy lên từ chính giữa, hoặc từ 2 bên cạnh của máy.

Đây có thể coi là điểm khác biệt (hay nâng cấp !) của V14 so với mẫu U14 trước đây mình từng đánh giá, khi mà U14 có phần gờ để bấu ngón tay mở nắp máy không hợp lý nên người dùng gặp chút khó khăn. Avita Liber V14 cho thao tác đóng mở nắp máy dễ dàng hơn, và phần “lồi” ra ở cạnh trên của V14 cũng là nơi hãng bố trí webcam cho máy.

Tương tự như Avita Liber U14, thì V14 cũng là chiếc laptop với toàn bộ lớp vỏ làm từ kim loại nhôm, trọng lượng của V14 nhẹ hơn chút so với U14 (1,2kg so với 1,4kg) nhưng lại dày hơn (19mm so với 16mm). Cả 2 mẫu Avita Liber U14 và V14 đều không phải là loại mỏng nhẹ nhất trong các dòng laptop văn phòng hiện nay, nhưng với lớp vỏ “full” kim loại cùng trọng lượng và độ mỏng như trên, thì mình thấy thị trường chưa có mẫu laptop văn phòng nào khác có đầy đủ những yếu tố trên.

Nhắc lại cho các bạn chưa biết, thì hãng Avita đã mua lại dây chuyền sản xuất từ Sony Vaio, 1 thương hiệu laptop nổi tiếng từng được nhiều người dùng Việt nhất là các bạn sinh viên, nhân viên văn phòng lựa chọn. Thế nên chất lượng hoàn thiện của Liber V14 mình đánh giá khá tốt, lớp vỏ nhôm của máy được sơn và xử lý mang tới cảm giác cầm nắm, sờ lên bề mặt hơi nhám nhám tay, vết mồ hôi, dấu tay và bụi bẩn khó nhìn thấy, ngoài ra máy cũng hạn chế việc bị trầy xước hơn trong quá trình sử dụng.

Hiện tượng flex khi dùng lực mạnh nhấn ngón tay lên phần nắp và đáy máy, cho tới phần bàn phím và khung bàn phím ít xảy ra, và ở mức tối thiểu chấp nhận được với 1 chiếc laptop văn phòng. Các cạnh viền của Avita Liber V14 được vát kim cương và mài nhẵn thêm để không tạo cảm giác sắc cạnh, gây ảnh hưởng hay khó chịu tới cảm giác cầm nắm của người dùng.

Không nhiều những mẫu laptop văn phòng trong phân khúc này được chú ý chăm chút ở phần bản lề, ngược lại Avita Liber V14 phần bản lề khi đóng mở nắp máy khá mượt mà và tương đối nhẹ, thiết kế có lẽ là tham khảo từ Macbook, với góc mở lên khoảng 120 độ.

Nhìn chung Avita Liber V14 cho cảm giác chắc chắn nhờ lớp vỏ kim loại, kiểu dáng nhìn thì lại khá gọn gàng, không nặng nề hay cồng kềnh, máy dễ dàng mang đi lại sử dụng mỗi ngày ngay cả với các bạn nữ, và với 5 màu sắc để lựa chọn thì mình nghĩ rằng đây là yếu tố mà chị em phụ nữ hẳn sẽ rất quan tâm.

2. Cổng kết nối khá đầy đủ, touchpad kích thước lớn, màn hình viền mỏng và tấm nền IPS

Là 1 mẫu laptop hướng tới người dùng văn phòng là chính, thế nên Avita Liber V14 có khá đầy đủ các cổng kết nối cần thiết, và được phân bố đều ra 2 cạnh bên của máy: 2 cổng USB type A 3.0, 1 cổng USB type C 3.1 (có thể sạc máy qua cổng type C này cũng như sạc cho các thiết bị di dộng khác), 1 cổng mini HDMI (được tặng kèm cổng chuyển sang HDMI), khe đọc thẻ nhớ micro SD, jack tai nghe 3.5mm, và không thể thiếu cổng nguồn sạc cho máy.

Trên Avita Liber V14 cũng được trang bị cảm biến vân tay 1 chạm tương tự như trên các dòng laptop văn phòng tầm trung và cao cấp, thử nghiệm thì mình thấy máy cho khả năng nhận diện khá nhanh và chính xác.

Màn hình của V14 có kích thước 14 inch, tỉ lệ 16:9, độ phân giải Full HD cùng tấm nền IPS của Chi Mei. Khác với “người anh em” U14 thì phần viền 2 cạnh bên của Avita Liber V14 mỏng hơn khá nhiều, phù hợp với xu hướng laptop hiện nay. Điểm khác biệt thứ 2 là V14 sử dụng màn matte nhám chống chói chứ không phải màn gương glossy, nên nhìn không bóng bẩy và bắt mắt như mẫu U14 trước đây.

Sử dụng thiết bị đo để kiểm tra thì mình ghi nhận được độ bao phủ màu sắc của màn hình trên V14 là 48% NTSC, 65% sRGB và Adobe RGB là 50%, những con số không cao như phần lớn các mẫu laptop văn phòng phổ thông khác. Thực tế sử dụng thì cũng tương đối ổn, màn hình cho chất lượng hiển thị khá rõ nét, màu sắc vẫn có độ tươi tắn, ít bị đục hay mờ mờ. Tấm nền IPS cho góc nhìn rộng sang 2 bên, và sắc độ của màu đen trông cũng khá sâu.

1 chi tiết làm nên sự khác biệt nữa của các mẫu laptop Avita Liber nói chung so với đối thủ khác đó là phần touchpad. Nó có kích thước rất lớn, rất to, vừa mở nắp máy lên là sẽ thấy ngay sự đặc biệt đó !! Tương tự như U14 thì Avita Liber V14 có phần touchpad chiếm 1 phần tương đối lớn diện tích khu vực phía dưới bàn phím (kích thước touchpad mình dùng thước đo là khoảng 15 x 7.5 cm, có viền cắt kim cương), và vị trí nằm ngay chính giữa thế nên khu vực nghỉ tay 2 bên ít bị ảnh hưởng, vẫn khá thoải mái cho việc gõ phím.

Tác dụng của touchpad lớn dễ thấy nhất là việc bạn di chuột từ góc này của màn hình sang góc xéo đối diện không bị giới hạn không gian, chuột di được xa hơn, chỉ cần di 1 lần là được chứ không cần phải di di vài lần. Các thao tác đa điểm cử chỉ cần sử dụng nhiều ngón tay cũng thoải mái hơn rất nhiều, nhất là với những bạn có bàn tay to.

Bề mặt của touchpad V14 được xử lý khá nhẵn và mịn, tạo cảm giác rê vuốt lướt ngón tay mượt mà và nhẹ nhàng hơn, độ ma sát rất thấp trong khi độ nhạy lại cao với sự hỗ trợ của Windows Precision driver.

Thiết kế bề mặt (mặt C) của Avita Liber V14 cũng như layout bàn phím nếu nhìn lướt qua khá giống trên Macbook, như mình đã có nói ở trên thì hiện tượng flex của bàn phím ở mức tối thiểu, chấp nhận được. Trải nghiệm gõ phím khá tốt, có đôi chút mất thời gian để làm quen vì mình thường sử dụng bàn phím rời, và 1 phần nữa là phím hơi nhỏ so với ngón tay mình.

Tốc độ phản hồi là khá nhanh và nhạy, mình gõ phím thấy nhẹ không mất nhiều lực, tiếng gõ trên bàn phím khá êm, không gây khó chịu. Gõ phím trên Liber cho mình cảm giác khá quen thuộc, tương tự như 1 số mẫu Acer Swift, Asus Zenbook, hay Dell Latitude đã từng sử dụng qua. Bàn phím có đèn nền Led màu trắng, chi tiết khá là nhỏ nhưng cũng cần thiết trên 1 mẫu laptop văn phòng.

Có thể thấy rằng, 2 yếu tố khá quan trọng, ảnh hưởng tới trải nghiệm và lựa chọn laptop của nhân viên văn phòng, học sinh sinh viên và doanh nhân nói chung là bàn phím và touchpad, thì trên Liber V14 hãng Avita đã có sự đầu tư và chăm chút tốt.

3. Cấu hình văn phòng ổn định cho nhiều nhu cầu sử dụng cơ bản

Cấu hình của Avita Liber V14 mà mình sử dụng đánh giá trong bài viết này, cũng là cấu hình đang được bán tại cửa hàng Techzones có những ”trang bị” như sau:

  • CPU: Intel Core i5-10210U (Comet Lake, 4 nhân 8 luồng, 6MB cache, xung nhịp: 1.6GHz - 4.2GHz)
  • RAM: 8GB (2400MHz DDR4, có 2 khe Ram, có thể hỗ trợ chạy 2666MHz)
  • Ổ cứng SSD: 512GB (SATA III)
  • Card đồ họa tích hợp: Intel UHD Graphics

Máy cho khả năng hoạt động tốt, ổn định trong 3 ngày mình trải nghiệm, từ các công việc văn phòng nhẹ nhàng: sử dụng máy soạn thảo văn bản word, làm bản tính excel,….cho tới các tác vụ “nặng đô” hơn 1 tí ví dụ như: dùng photoshop CC 2019 chỉnh sửa 10 bức ảnh dung lượng khoảng 3 - 4MB, cộng thêm mình dùng chrome duyệt web với khá nhiều tab, trung bình là từ 15 tab trở lên với đủ các nội dung: từ web tin tức, youtube xem video, web xem phim nghe nhạc.

Liber V14 được trang bị ổ cứng SSD SATA III dung lượng lớn 512GB có tốc độ đọc / ghi, cũng như khởi chạy Windows và mở các ứng dụng, phần mềm khá nhanh chóng. Sau đây là các điểm số đánh giá hiệu năng "sức mạnh" của máy qua 1 số phần mềm test: hiệu năng CPU, tốc độ ĐỌC / GHI của ổ SSD,...

PCMark 10

Avita Liber V14 (i5-10210U, 8GB Ram, Intel UHD Graphics): 3779

Lenovo IdeaPad Slim 3 (AMD Ryzen 3 4300U, 4GB Ram, AMD Radeon Graphics): 4134

Aspire A515 2020 (i5-10210U, 8GB Ram, MX350 2GB GDDR5): 3883

Aspire A515 2018 (i5-8265U, 4GB Ram, Intel UHD Graphics 620): 3255

Aspire 7 A715 2018 (i5-8300H, 8GB Ram, GTX 1050 4GB): 3726

i7-10510U, 16GB Ram, MX250 2GB GDDR5: 4170

HP Envy 13 2020 (i5-1035G4, 8GB Ram, Intel Iris Plus Graphics 940): 3723

HP ProBook 450 G7 (i5-10210U Comet Lake, 4GB Ram, Intel UHD Graphics 620): 3776

HP 348 G7 (i3-10110U Comet Lake, 4GB Ram, Intel UHD Graphics 620): 3455

PCMark 10 Express

Avita Liber V14 (i5-10210U, 8GB Ram, Intel UHD Graphics): 4341

Lenovo IdeaPad Slim 3 (AMD Ryzen 3 4300U, 4GB Ram, AMD Radeon Graphics): 4718

HP Envy 13 2020 (i5-1035G4, 8GB Ram, Intel Iris Plus Graphics 940): 4039

3DMark - Sky Diver

Avita Liber V14 (i5-10210U, 8GB Ram, Intel UHD Graphics): 4379

Lenovo IdeaPad Slim 3 (AMD Ryzen 3 4300U, 4GB Ram, AMD Radeon Graphics): 5115

Aspire A515 2020 (i5-10210U, 8GB Ram, MX350 2GB GDDR5): 10942

Aspire A515 2018 (i5-8265U, 4GB Ram, Intel UHD 620): 3789

i7-10510U, 16GB Ram, MX250 2GB GDDR5: 8088

HP Envy 13 2020 (i5-1035G4, 8GB Ram, Intel Iris Plus Graphics 940): 6386

HP ProBook 450 G7 (i5-10210U Comet Lake, 4GB Ram, Intel UHD Graphics 620): 3887

3DMark - Fire Strike

Avita Liber V14 (i5-10210U, 8GB Ram, Intel UHD Graphics): 1075

Lenovo IdeaPad Slim 3 (AMD Ryzen 3 4300U, 4GB Ram, AMD Radeon Graphics): 1353

Aspire A515 2020 (i5-10210U, 8GB Ram, MX350 2GB GDDR5): 3730

HP Envy 13 2020 (i5-1035G4, 8GB Ram, Intel Iris Plus Graphics 940): 1705

3DMark - Night Raid

Avita Liber V14 (i5-10210U, 8GB Ram, Intel UHD Graphics): 5166

Aspire A515 2020 (i5-10210U, 8GB Ram, MX350 2GB GDDR5): 10511

i7-10510U, 16GB Ram, MX250 2GB GDDR5: 9815

HP Envy 13 2020 (i5-1035G4, 8GB Ram, Intel Iris Plus Graphics 940): 6793

3DMark - Time Spy

Avita Liber V14 (i5-10210U, 8GB Ram, Intel UHD Graphics): 431

HP Envy 13 2020 (i5-1035G4, 8GB Ram, Intel Iris Plus Graphics 940): 625

Corona Benchmark (ver 1.3)

Avita Liber V14 (i5-10210U, 8GB Ram, Intel UHD Graphics) - Render Time: 0:07:02

Lenovo IdeaPad Slim 3 (AMD Ryzen 3 4300U, 4GB Ram, AMD Radeon Graphics) - Render Time: 0:07:48

Aspire A515 2020 (i5-10210U, 8GB Ram, MX350 2GB GDDR5) - Render Time: 0:06:42

HP Envy 13 2020 (i5-1035G4, 8GB Ram, Intel Iris Plus Graphics 940) - Render Time: 0:07:15

HP ProBook 450 G7 (i5-10210U Comet Lake, 4GB Ram, Intel UHD Graphics 620) - Render Time: 0:06:56

HP 348 G7 (i3-10110U Comet Lake, 4GB Ram, Intel UHD Graphics 620) - Render Time: 0:10:37

Cinebench R20

Avita Liber V14 (i5-10210U, 8GB Ram, Intel UHD Graphics) - CPU: 1117, CPU (Single Core): 372

Lenovo IdeaPad Slim 3 (AMD Ryzen 3 4300U, 4GB Ram, AMD Radeon Graphics) - CPU: 1444, CPU (Single Core): 418

Aspire A515 2020 (i5-10210U, 8GB Ram, MX350 2GB GDDR5) - CPU: 1214, CPU (Single Core): 383

HP Envy 13 2020 (i5-1035G4, 8GB Ram, Intel Iris Plus Graphics 940) - CPU: 1293, CPU (Single Core): 435

Tốc độ ĐỌC / GHI của ổ SSD 512GB trong máy

4. Mức xung nhịp ổn định khi stress test và máy có thời lượng pin khá

Sau quá trình thử nghiệm hiệu năng của Avita Liber V14, thì mình bắt đầu kiểm tra tính ổn định cũng như nhiệt độ của hệ thống qua 1 số bài stress test. Cụ thể thì mình đã cho chạy 2 bài test là Prime95 và FurMark CPU, kết quả ghi nhận ra sao ? Mời các bạn xem qua các hình ảnh bên dưới đây.

 Mức xung nhịp và nhiệt sau 15 phút kiểm tra qua Prime 95

Mức xung nhịp và nhiệt sau 10 phút kiểm tra qua FurMark CPU

Mình thấy mức xung nhịp khá đều và ổn định ở cả 4 nhân CPU, trung bình là khoảng 2.2GHz, mức nhiệt độ cao nhất sau quá trình kiểm tra là vào khoảng 85 độ C, còn trung bình là khoảng 80 độ C khi stress test 10 - 15 phút.

Thời lượng pin cũng là 1 yếu tố quan trọng khi xem xét 1 chiếc laptop văn phòng, nên mình cũng thực hiện 1 số lần kiểm tra về cục pin 26Whr trong Avita Liber V14. Ở lần thử nghiệm đầu tiên, mình để máy ở độ sáng tối đa 100%, chế độ pin Balanced, qua kiểm tra phần mềm thì pin của V14 cho thời gian sử dụng là 6 tiếng 35 phút.

Ở thử nghiệm tiếp theo cũng vẫn là màn hình độ sáng 100%, chế độ pin Balanced, mình cứ để máy như thế không sử dụng bất kỳ tác vụ nào cả, thì sau 9 tiếng 48 phút Avita Liber V14 sẽ tắt. Tiếp tục ở thử nghiệm cuối cùng, sử dụng máy chạy đa tác vụ: làm việc văn phòng, lướt web, nhắn tin skype và zalo, xem youtube và nghe nhạc (3 tab), chỉnh sửa file ảnh trên photoshop,…ở độ sáng 75%, mức âm lượng 80% thì kết quả là 5 tiếng 20 phút thì máy còn 10% pin.

Nhìn chung thì thời lượng pin sẽ tùy vào mức độ sử dụng của mỗi người, theo cảm nhận và đánh giá chung của mình thì các con số trên là khá ổn mà thôi, chưa tạo được sự khác biệt rõ rệt với các mẫu laptop khác cùng phân khúc hoặc ở mức giá phải chăng hơn. Mình nghĩ người dùng để yên tâm hơn thì nên cầm theo cục sạc khi mang laptop ra ngoài sử dụng.

B. Những điểm mình thấy chưa ổn, có thể khắc phục được ở những phiên bản sau:

1. Có 1 số chi tiết chưa hoàn thiện tốt lắm:

Khi đóng mở nắp máy lên mình nghe có tiếng lẹt kẹt lạo xạo nhỏ hơi khó chịu, tình trạng này mình đã có gặp ở Liber U14. Về mặt cảm quan thì cụm wc lồi lên ở cạnh trên nhìn sẽ hơi thô, và không hợp mắt với 1 số người dùng.

2. Cổng kết nối và vị trí đặt vân tay:

Mình nhận thấy cổng thường có dây dài lằng nhằng là HDMI lại nằm ở cạnh bên phải của máy, vị trí khi cắm kết nối sẽ dễ gây vướng víu cho tay người dùng khi cùng lúc sử dụng chuột rời bên ngoài.

Đa phần người dùng nói chung thuận tay phải, và thói quen sử dụng thì thường dùng tay thuận để chạm vân tay. Nhưng vị trí đặt vân tay trên Avita Liber lại sát góc trên bên trái của máy, trong khi phím nguồn khởi động máy lại ở hướng đối diện, thì điểm này theo mình đánh giá là chưa hợp lý lắm.

3. Loa ở mức trung bình

2 loa stereo được đặt ở phía dưới cạnh trước của máy, có công suất 1W và sử dụng công nghệ Symphony, chất âm mình không đánh giá cao lắm. Dù loa cho tiếng to hơn mẫu U14, nhưng độ chi tiết chỉ ở mức trung bình khá, với 1 số bài nhạc có giai điệu phức tạp, dồn dập ví dụ kiểu như rock metal thì hơi rè tiếng đôi chút.

C. Tổng kết

Nếu như “người anh em” U14 mang tới sự nổi bật, trẻ trung, bắt mắt, thì Avita Liber V14 lại là sự chỉn chu, vẫn có chất phong khoáng nhưng tiết chế hơn. Hy vọng qua bài đánh giá này, các bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về sản phẩm: từ kiểu dáng cho tới hiệu năng, từ cảm nhận trải nghiệm cho tới các ưu nhược điểm.

Mời các bạn tham khảo thêm các dòng laptop và mua ngay để nhận được nhiều ưu đãi và giá tốt nhất tại Dương Long :

Laptop Avita

Viết bình luận của bạn