DANH MỤC SẢN PHẨM

Đánh giá laptop chơi game MSI GT80 Titan: Mập, Mạnh, Mát, Mắc

Anh Điền
Thứ Tư, 01/09/2021

Đánh giá laptop chơi game MSI GT80 Titan: Mập, Mạnh, Mát, Mắc

Trong bài đánh giá dưới đây, chúng ta sẽ lần lượt đi qua từng yếu tố và hy vọng sẽ mang lại cho các bạn cái nhìn chi tiết hơn về chiếc laptop chơi game này.

    Mập, mạnh, mát, mắc là 4 từ mà mình có thể dùng để đánh giá chiếc laptop chơi game hạng nặng mới nhất của MSI. Trong bài đánh giá dưới đây, mình sẽ lần lượt đi qua từng yếu tố và hy vọng sẽ mang lại cho các bạn cái nhìn chi tiết hơn về chiếc laptop chơi game này.

    Giá của máy thấp nhất là từ 70 triệu đồng, một cái giá không dễ thở đối với hầu hết chúng ta, có lẽ MSI muốn dùng GT80 Titan làm hình ảnh thương hiệu nhiều hơn nhưng nếu có điều kiện thì với chừng đó tiền, bạn sẽ sở hữu những gì tốt nhất trên một chiếc laptop chơi game: Màn hình 18,4", cấu hình có 2 card đồ họa rời, nhiều ổ cứng và đặc biệt là bàn phím cơ - thứ lần đầu tiên được tích hợp vào laptop.

    Thiết kế: "MẬP"

    Như tên gọi Titan, GT80 Titan có thiết kế "khổng lồ", mập mạp, dày cui và dĩ nhiên là nặng nữa. Máy có cấu hình khỏe và bạn cũng cần có sức khỏe để vác cỗ máy nặng 4,5 kg chưa tính cục sạc nếu muốn đem ra ngoài quán café hay đi chơi xa. So với những chiếc laptop chơi game cùng phân khúc thì GT80 Titan nặng ngang ngửa với ASUS RoG G750 (~4,8 kg) và nặng hơn Alienware 17 (~ 3,8 kg). Tuy nhiên, trọng lượng này xứng đáng với những gì nó mang theo mà mình sẽ nói rõ hơn dưới đây.​

    Nội/ngoại thất:

    Thiết kế của GT80 Titan khá đẹp và lạ mắt. Vỏ ngoài bao bọc màn hình được làm bằng một tấm nhôm phay xước ép theo các rìa ôm vào trong rất chắc chắn, dày khoảng 6 mm. Vỏ nhôm màu đen, gần 2 bên cạnh thì được vát nhẹ xuống và tích hợp 2 dải đèn màu đỏ, chính giữa vỏ nhôm là logo rồng xương có đèn nền trắng rất đặc trưng của MSI.

    Tại rìa trên của màn hình, MSI đã thiết kế một gờ lồi ra và khi đóng lại thì gờ này khớp với phần lõm dưới bàn phím khiến chiếc máy trở nên khít hơn. Do toàn bộ màu đen thui nên ở đây còn có một đường mảnh màu đỏ tạo dấu hiệu phân biệt giữa nắp và thân máy cũng như điểm tựa để mở màn hình lên. Thân máy nặng nên mình có thể mở màn hình bằng 1 tay.

    Bên trong vỏ nhôm làm màn hình 18,4", thiết kế tương tự series GT7x Dominator. Viền mày hình rất dày, viền 2 bên và phía trên khoảng 1,8 cm trong khi viền dưới dày đến 3 cm, chỉ chứa mỗi logo MSI. Bản lề màn hình được thiết kế dạng lồi, 2 đầu bản lề kết nối với một thanh nổi tạo nên gù sau tương tự thiết kế của dòng ASUS RoG G-Series. Thiết kế này khiến cho bản lề giữ chắc màn hình và mang lại góc mở màn hình lớn hơn, khoảng 130 độ.

    Kể từ đây thì chúng ta sẽ thấy những điểm mới lạ trên thiết kế của một chiếc laptop. Ngay bên dưới màn hình là một khoảng trống, chính xác hơn là một chiếc nắp lớn bằng nhôm phay xước màu đen và trên tấm nhôm này còn được khắc chìm hình rồng xương. Phía trên cùng của tấm nhôm là một hàng các lỗ nhỏ li ti chạy dọc theo chiều dài và đây chính là hệ thống loa Dynaudio của máy.

    Chiều rộng của nắp nhôm khoảng 13 cm và mình nói vui rằng nó đủ rộng để những tay chơi game có thể đặt nhiều thứ lên như ly café, hộp cơm, điện thoại hay bất cứ cái gì có thể để cho rộng chỗ. Kỳ thực bên dưới nắp nhôm là toàn bộ nội tạng của máy và mình đã mở ra cho các bạn xem trong video ở phần cấu hình.

    Bàn phím/bàn rê:

    Tiếp theo là phần đặt biệt nhất trong nội thất của GT80 Titan - bàn phím cơ và bàn rê kiêm phím số ảo. Đây là chiếc laptop đầu tiên trên thế giới được trang bị bàn phím cơ và chiếc bàn phím này cũng là một phần khiến máy tăng cân. Toàn bộ phần bàn phím được đẩy lùi ra sát cạnh trước của máy và GT80 Titan không có phần chiếu nghỉ tay như các thiết kế truyền thống. Để gõ phím tốt hơn thì MSI đã tặng kèm một tấm nghỉ tay bằng đệm mút mềm, khá êm.

    Bàn phím cơ tích hợp trên MSI GT80 Titan do SteelSeries thiết kế và dùng switch Cherry dòng Brown. Đặc điểm của switch Brown (màu nâu) là không phát ra tiếng động quá lớn hay tiếng click giống như switch Blue (Brown vẫn có khấc, trong video mình nói nhầm :)). Do đó, khi chơi game thì bạn sẽ không bị làm phiền nhiều bởi âm thanh này. Thiết kế của switch Brown cũng không cần nhiều lực để nhấn như Blue hay Black nên bạn vẫn có thể cảm nhận được phản hồi từ phím, cảm giác rất tự tin khi nhấn xuống mà không cảm thấy quá nhẹ như switch Red.​

    Mình cho rằng việc sử dụng switch Brown trên bàn phím của GT80 Titan là một sự lựa chọn hợp lý của MSI bởi nó có thể đáp ứng tốt cả nhu cầu chơi game lẫn gõ văn bản. Layout phím tiêu chuẩn, cổ điển và dễ làm quen ngoại trừ 1 việc là MSI thường chuyển nút Start sang bên phải, tức là nằm giữa R-Ctrl và R-Alt thay cho nút Context Menu, vì vậy mình thường bị nhầm lẫn về thao tác, nhất là khi muốn mở Start Menu hay bấm các tổ hợp phím như Windows + D, Windows + M …

    Có thể MSI cho rằng việc đặt nút Start sang phải sẽ giúp cho game thủ tránh bấm nhầm khiến thoát game vô ý. Tuy nhiên, thay đổi này ảnh hưởng nhiều đến thao tác và MSI nên đưa ra giải pháp là một tổ hợp phím Fn để tắt nút Start đi thì hay hơn. Một điểm thiếu sót nữa là bàn phím không có hệ thống nút Macro - một điều thường có trên những chiếc máy laptop chơi game.

    Tông màu đỏ tiếp tục được MSI áp dụng trên bàn phím và các yếu tố trang trí. Cụ thể là đèn nền phím màu đỏ và môt đèn led mảnh chạy dọc theo chiều ngang máy phía trên bàn phím tạo điểm nhấn. Đèn phím có thể tùy chỉnh độ sáng theo các mức nhưng không chỉnh được màu khác. Mình vẫn thích bàn phím đa vùng màu nhưng trên MSI GT80 Titan thì điều này là không thể, khá đáng tiếc.

    Bên cạnh bàn phím là bàn rê hình chữ nhật đặt dọc thiết kế rất lạ. Thiết kế bàn rê đặt bên cạnh bàn phím trước đây từng được Razer áp dụng trên dòng Blade Pro 17" nhưng bàn rê của Razer thì tích hợp giao diện Switchblade UI tạo nên màn hình thứ 2.

    Tuy nhiên, MSI không làm một điều tương tự mà tích hợp bàn phím số vào bàn rê này. Trên góc phải bàn rê có một nút bấm cảm ứng để kích hoạt bàn phím số. Ở chế độ phím số, các phím được hiển thị với layout như phím vật lý và tính năng bàn rê được vô hiệu hóa. Ngược lại khi dùng ở chế độ bàn rê thì bạn có thể khai thác tất cả các tính năng của một chiếc bàn rê thông thường.

    Bàn rê cho độ nhạy cao, hỗ trợ đa điểm và bề mặt chống rít cho cảm giác chạm tốt. Tuy nhiên, do thiết kế bàn rê dọc, hẹp bề ngang nên nhiều thao tác đa điểm trở nên vướng víu. Chẳng hạn như thao tác vuốt 2 ngón, 3 ngón hay phóng to thu nhỏ không thật sự thoải mái. Các ngón tay khi vuốt từ rìa này dễ chạm vào rìa kia do bàn rê hẹp, thao tác bóp mở 2 ngón cũng không khá hơn.

    Bên dưới bàn rê được tích hợp 2 phím chuột bằng kim loại khá đẹp, to và dễ bấm nhưng khi thực hiện thao tác nhấn giữ và rê thứ gì đó trên màn hình thì bạn sẽ cảm thấy tay không thoải mái. Như vậy, có thể nói thiết kế bàn rê của GT80 Titan khá sáng tạo nhưng nó không thật sự hữu dụng.

    Phía trên bàn rê có 3 chiếc nút hình tam giác thiết kế khá đẹp. Chức năng của 3 nút này là nút nguồn, nút ở giữa chuyển đổi card đồ họa rời/onboard và nút kích hoạt quạt tản nhiệt ở chế độ hiệu năng cao.

    Các cổng kết nối:

    GT80 Titan là một chiếc máy to khổng lồ và hiển nhiên nó được trang bị nhiều cổng kết nối, đặt quanh 2 bên thân máy dày đến 5 cm. Bên cạnh phải có khá nhiều đồ chơi gồm 3 cổng USB 3.0, jack tai nghe, mic 3,5 mm, cổng S/PDIF dành cho amplifier ngoài, khe đọc thẻ nhớ SD và một ổ ghi Blu-ray.

    Chiếc ổ này có thiết kế khá kín đáp khi nó nằm bên trong phần nắp nhôm phía trên bàn phím thay vì nằm bên trong phần thân máy bên dưới. Bên cạnh phải chỉ có duy nhất 2 cổng USB 3.0. Các cổng kết nối màn hình đều được được đặt phía sau, giữa 2 họng tản nhiệt lớn gồm 2 cổng mini DisplayPort, 1 cổng HDMI, LAN và 1 jack nguồn 4 chấu.

     

    Tại rìa trước của máy là hệ thống đèn tín hiệu màu xanh (có lẽ MSI không dùng màu đỏ vì sợ trùng với thông báo hỏng hóc). Các đèn này khá chìm và không nổi bật xét về tổng thể.

    Màn hình & âm thanh:

    GT80 Titan có màn hình 18,4" và dùng tấm nền IPS. Khả năng hiển thị của tấm nền IPS rất tốt với màu sắc chân thực, không quá nịnh và cũng không quá nhợt nhạt như tấm nền TN. Màn hình cũng có độ sáng cao, khoảng 300 nit, rất phù hợp để chơi game xuyên màn đêm. Ngoài ra, tấm nền IPS cho góc nhìn màn hình rộng hơn, khi nhìn ở các góc tù từ 2 bên và trên xuống thì hiện tượng bóng ma không xảy ra, chỉ là hơi giảm về độ sáng nhưng vẫn đảm bảo được trải nghiệm hình ảnh.

    Chỉ có một điều đáng tiếc trên chiếc màn hình này là độ phân giải dừng lại ở Full HD (1920 x 1080 px). Mặc dù độ chi tiết và sắc nét của hình ảnh vẫn tốt nhưng đối với kích thước 18,4" thì nó chưa đã mắt. Nếu như MSI trang bị hoặc bổ sung tùy chọn màn hình 2K/4K thì trải nghiệm hình ảnh trên GT80 Titan còn tuyệt vời hơn. Có lẽ hãng cũng quan tâm đến chuyện nhiều game chưa hỗ trợ độ phân giải cao nên giữ lại độ phân giải Full HD trên GT80 Titan.

    Về phần âm thanh, GT80 Titan được trang bị hệ thống loa Dynaudio với 2 loa stereo và một loa siêu trầm đặt dưới đáy máy. Dàn loa này cho âm thanh đầu ra lớn, tiếng bass có lực nhờ sự hỗ trợ của loa sub và độ chi tiết khá cao. MSI cũng cài sẵn phần mềm Sound Blaster Cinema 2 với các tùy chọn âm thanh khác nhau. Tuy nhiên, qua trải nghiệm của mình thì hệ thống loa này đáp ứng game thì tốt nhưng nhạc thì chỉ bình thường. Khi chơi game, mình có thể cảm nhận được độ sâu của âm thanh cũng như cảm nhận được hướng phát và khoảng cách phát, mọi thứ được mô phỏng khá tốt. Thế nhưng khi nghe nhạc thì tiếng bass khá nhiễu với các đoạn thấp và làm mất chi tiết của bài nhạc.

    Cấu hình: "MẠNH"

    GT80 Titan có thể nói là chiếc laptop chơi game có cấu hình mạnh mẽ nhất trên thị trường. Thiết kế to xác cho phép MSI nhét được nhiều thứ vào máy như các ổ cứng M.2, ổ HDD, 2 card đồ họa Nvidia và hệ thống tản nhiệt 8 ống đồng giúp đảm bảo hiệu năng của máy. Cấu hình chi tiết chiếc máy mình mượn được như sau:

    CPU: Intel Core i7-4720HQ (Haswell) 4 lõi, xung nhịp 2,6 GHz (Turbo Boost 3,6 GHz), 6 MB Cache;

    GPU: 2 x Nvidia GeForce GTX 980M SLI 16 GB GDDR5 (8 GB mỗi card) + Intel HD Graphics 4600;

    RAM: Hynix 16 GB DDR3L bus 16000 MHz (8 GB mỗi thanh), chạy Dual-Channel;

    Ổ cứng: 3 x Kingston M.2 384 GB (128 GB mỗi ổ), chạy RAID 0 + Hitachi 7K1000 HDD 1 TB (7200 rpm);

    Ổ quang: LG Blu-ray Burner;

    Kết nối: Bluetooth 4.0, Wi-Fi Killer N1525 a/b/g/n/ac, LAN Killer E2200,

    Khác: Webcam Full HD 1080p;

    Hệ điều hành: Windows 8.1 Single Language 64-bit.

    MSI cung cấp nhiều tùy chọn cấu hình cho GT80 Titan, trong đó tùy chọn CPU cao nhất là Core i7-4980HQ tốc độ 2,8 GHz (Turbo Boost đến 4 GHz) và bên cạnh GTX 980M thì các tùy chọn GPU khác còn có GTX 965M SLI/970M SLI hoặc GTX 980M chạy 1 card. RAM từ 8/16 đến 24 GB và nhiều tùy chọn ổ cứng như 1 M.2 SATA + 1 TB HDD hoặc 2 x M.2 SATA + 1 TB HDD hoặc 1 TB HDD.

    Về CPU Intel Core i7-4720HQ trên chiếc máy này thì nó là dòng CPU khá phổ biến trên những chiếc laptop chơi game hiện nay và không có gì đặc biệt. Nhưng về GPU Nvidia GeForce GTX 980M thì chúng ta sẽ có nhiều thứ để nói hơn. Đâu tiên đây là model mới nhất thuộc GTX 900M Series dành cho thiết bị di động mà Nvidia vừa giới thiệu. Trong series 900M thì GTX 980M dùng chip GM204 phát triển trên nền tảng Maxwell với 1536 đơn vị shader, 96 đơn vị TMU, giao diện bộ nhớ 256-bit và băng thông 160 GB/s.

    Theo thiết lập SLI, 2 chiếc card đồ họa chạy song song, 1 card master và 1 card slave. Chức năng SLI trên laptop cũng tương tự như trên các hệ thống Desktop, tức là 2 card sẽ chia tải khi render hình ảnh 3D theo thời gian thực và kết quả xử lý cuối cùng của mỗi card sẽ được gởi đến card master để xuất ra màn hình thông qua một cầu nối gọi là SLI Bridge.

    Mình sẽ nói rõ hơn về SLI cũng như CrossFire trong một bài viết khác. Ngoài SLI thì GTX 980M còn hỗ trợ nhiều công nghệ độc quyền của Nvidia như Optimus chuyển đổi card thông minh (trên máy này thì bạn có thể chuyển đổi thủ công bằng 1 nút bấm), Battery Boost giúp tiết kiệm pin khi chơi game, Shadowplay hỗ trợ ghi hình gameplay và GameStream.

     

    Một điểm đáng chú ý nữa về phần cứng của GT80 Titan là việc sử dụng ổ SSD chuẩn M.2. Đây là một chuẩn SSD khá mới và hiện chỉ xuất hiện trên các hệ thống Desktop. Máy có 3 ổ M.2 chạy RAID 0 và tốc độ truy xuất dữ liệu sẽ tăng đáng kể. Kết quả tốc độ sẽ rõ ràng hơn trong phần benchmark.

    Khả năng nâng cấp:

    Ngoài ra, GT80 Titan được thiết kế rất dễ nâng cấp. Nắp đáy máy và nắp trên dễ mở cho phép tiếp cận với các thành phần phần cứng dễ dàng. Máy có 4 khe M.2, 4 khe RAM, 1 SATA và bạn cũng có thể dùng bay để gắn thêm 1 ổ cứng nữa tại vị trí ổ quang. Thêm vào đó, GPU trên máy được thiết kế dạng mô-đun và bạn cũng có thể nâng cấp lên các GPU mới hơn, MSI sẽ cung cấp các mô-đun này.

    Benchmark:

    3DMark 13:

    3DMark 13 (Gaming New Series) | Create infographics

    Đây là điểm số benchmark 3DMark 13 của MSI GT80 Titan (màu vàng) so sánh với các mẫu laptop chơi game mới như ASUS RoG G751JY (Core i7-4710HQ, GTX 980M, 24 GB, ổ M.2); Alienware 17 (Core i7-4710HQ, GTX 970M, 8 GB, ổ HDD); HP Omen 15 (Core i7-4710HQ, GTX 860M, 8 GB, ổ M.2) và Acer Aspire V17 Nitro (Core i7-4710HQ, GTX 860M, 16 GB, ổ HDD Hybrid). Với sức mạnh của bộ đôi GTX 980M chạy SLI, điểm số của GT80 Titan luôn cao hơn các đối thủ với 11002 điểm cho bài test nặng nhất là Fire Strike, 25382 điểm cho bài test Sky Diver, 24543 điểm cho bài test Cloud Gate và 136194 điểm cho bài test Ice Storm.​​

    PCMark 8/7:​

    Tương tự với bài test PCMark 8 và PCMark 7, điểm số của GT80 Titan vẫn rất cao. Lần này mình chọn lại một số mẫu máy để so sánh gồm ASUS RoG G751JY (Core i7-4710HQ, GTX 980M, 24 GB, ổ M.2); Alienware 15 (Core i7-4710HQ, GTX 970M, 8 GB, ổ M.2); HP Omen 15 (Core i7-4710HQ, GTX 860M, 8 GB, ổ M.2) và Acer Aspire V17 Nitro (Core i7-4710HQ, GTX 860M, 8 GB, ổ M.2).

    PCMark 8 (Gaming New Series) | Create infographics

     

    Kết quả cho thấy hiệu năng tổng thể của GT80 Titan qua PCMark 7 gói Lightweight chỉ nhỉnh hơn đôi chút với ASUS G751JY. Với dung lượng RAM ít hơn, các điểm Home Accelerated v2 (OpenGL) (test các tác vụ phổ biến, không đòi hỏi năng lực tính toán nhiều) và Work Accelerated v2 (OpenGL) (test các tác vụ văn phòng như soạn thảo văn bản, lướt web, bảng tính, video chat) của GT80 Titan cũng thấp hơn một chút so với ASUS G751JY.

    Tuy nhiên, với nội dung Creative Accelerated v2 (OpenGL) (test các tác vụ nặng như sản xuất nội dung số, chỉnh sửa hình ảnh, video và giải trí đa phương tiện, video chat theo nhóm, giải mã nội dung và game), GT80 Titan với lợi thế 2 card đồ họa đã về nhất với số điểm 6111, đây cũng là điểm số Creative Suite cao nhất của PCMark 8 mà mình từng bench được từ trước đến nay.

    CrystalDisk Mark:​

    Với thiết lập 3 ổ M.2 Kingston chạy RAID 0, tốc độ truy xuất dữ liệu của GT80 Titan được nâng cao đáng kể. Bảng so sánh trên là tốc độ truy xuất của các ổ M.2 được trang bị trên các mẫu laptop chơi game mới hiện nay. Chỉ riêng GT80 Titan là dùng 3 ổ với thiết lập RAID, các mẫu laptop còn lại chỉ chạy 1 ổ M.2. Kết quả cho thấy ổ M.2 trên GT80 Titan cho tốc độ đọc đến 1190 MB/s và tốc độ ghi rất nhanh, 918,6 MB/s. Trong bảng trên, Acer Aspire V17 Nitro dùng cùng 1 loại ổ M.2 của Kingston giống GT80 Titan nhưng tốc độ của nó chỉ bằng phân nửa.

    CrystalDisk Mark 3.0 | Create infographics

     

    Thiết lập RAID 0 thường được dùng để tối ưu tốc độ truy xuất, dữ liệu lúc này được chia ra nhiều phần bằng nhau để lưu trên từng đĩa, ở đây chúng ta có 3 ổ M.2 và 1 file sẽ được chia làm 3 phần bằng nhau lưu trên 3 ổ. Do đó, tốc độ đọc/ghi sẽ được cải thiện nhờ việc mỗi ổ đĩa chỉ cần phải đọc/ghi phần dữ liệu được lưu trên nó khi file được truy xuất. Về lí thuyết thì tốc độ sẽ tăng tương ứng với số lượng ổ đĩa, tức là gấp 3 lần.

    Game:

    Với cấu hình cao, có lẽ mình sẽ không nói về hiệu năng tổng thể bởi mọi tác vụ bình thường, đa nhiệm, các ứng dụng xử lý hình ảnh, video đều không thể thách thức GT80 Titan. Thay vào đó, mình đã thử nghiệm một vài game đòi hỏi cấu hình cao trên GT80 Titan và dùng Fraps để đo khung hình. Kết quả như sau:​

    Call of Duty: Advanced Warfare (cấu hình đề nghị từ Core i5-2500K trở lên, GPU rời từ GTX 760 trở lên, 8 GB RAM, dung lượng 55 GB)

    FarCry 4 (cấu hình đề nghị từ Core i5-2400S trở lên, GPU rời từ GTX 680 trở lên, 8 GB RAM, dung lượng 30 GB)

    Assassin's Creed Unity (cấu hình đề nghị từ Core i7-3770 trở lên, GPU GTX 780 trở lên, 8 GB RAM, dung lượng 50 GB)

    Need For Speed: Rivals (cấu hình đề nghị CPU lõi tứ, GPU rời từ GTX 660 trở lên, 8 GB RAM, dung lượng 30 GB).

    Kết quả đo khung hình bằng Fraps:

    Call of Duty: Advanced Warfare: thiết lập Ultra High, đổ bóng môi trường (AO) HBAO+, khử răng cưa Filmic SMAA Tx2 -> 30 - 35 fps. Mình đã thử chỉnh lại nhưng khung hình vẫn chỉ ở mức trên 30 fps và chưa tìm được nguyên nhân.

    FarCry 4: thiết lập High, đổ bóng môi trường (AO) SSBC, khử răng cưa SMAA, -> 60 fps/ thiết lập Ultra, đổ bóng môi trường (AO) SSBC, khử răng cưa SMAA -> 55 - 60 fps, thiết lập Ultra, đổ bóng môi trường (AO) HBAO+, TXAA4, -> 35 fps.

    Assassin's Creed Unity: thiết lập Very High, đổ bóng môi trường (AO) SSAO, khử răng cưa MSAA 8x -> 35 - 40 fps/thiết lập Very High, đổ bóng môi trường (AO) HBAO+, khử răng cưa TXAA -> 45 - 52 fps.

    Need For Speed: Rivals: thiết lập Ultra, đổ bóng môi trường (AO) HBAO -> 30 fps.

    Câu chuyện 30 fps hay 60 fps vẫn gây nhiều tranh cãi, 1080p @60fps được nhiều game thủ coi là tỉ lệ vàng nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng 30 fps là đủ để chơi. Đối với mình thì 30 fps vẫn mang lại trải nghiệm tốt và nhiều nhà sản xuất game hiện nay cũng đang có ý định giới hạn khung hình ở 30 fps.

    Về hiệu năng của GT80 Titan khi chơi game thì các bạn hẳn cũng đã nắm được qua các thử nghiệm trên. Nhìn chung với cấu hình này thì GT80 Titan có thể cán được hầu hết các game mới nhất hiện nay với thiết lập từ High đến Ultra.

    Tản nhiệt: "MÁT"

    GT80 Titan được trang bị 2 quạt tản nhiệt lớn với 4 khe tản nhiệt, gió được hút từ 2 khe phía sau và xả ra 2 khe 2 bên. Thử nghiệm chơi game, chiếc máy rất mát mẻ, dùng súng laser bắn nhiệt thì phần nóng nhất đo được là ở tấm nhôm che phía trên ổ cứng, khoảng 32 độ C, vỏ ngoài màn hình khoảng 30 độ C. Phần bàn phím và bàn rê thì không thấy nóng do nó nằm tách biệt khỏi các phần cứng khác, không nằm trên như thiết kế laptop truyền thống.

    MSI cũng tích hợp một nút để tăng tốc độ quay của quạt. Khi kích hoạt thì quạt sẽ quay nhanh hơn, ồn hơn nhưng hiệu quả tản nhiệt cũng cao hơn.

    Thời lượng Pin:

    Pin luôn là điểm yếu của những chiếc laptop chơi game bởi thỏi pin nhỏ bé khó có thể nuôi cả hệ thống nhiều thành phần trong thời gian dài. Với GT80 Titan, pin máy được tích hợp không thể tháo rời, có dung lượng 5225 mAH (75 Wh - 8 cell). Khi mình dùng để lướt web, soạn thảo bài viết này với độ sáng màn hình trung bình thì thời lượng pin chỉ khoảng 2 giờ. Dĩ nhiên khi chơi game thì thời lượng pin sẽ ngắn hơn và chắc chắn là bạn sẽ phải cắm sạc để chơi game nếu muốn có trải nghiệm tốt nhất.

    Giá bán: "MẮC"

    Như mình đã nói ở đầu bài, GT80 Titan có mức giá khó tiếp cận với người dùng. Máy có nhiều tùy chọn cấu hình, rẻ nhất từ 70 triệu và cao nhất là trên 100 triệu đồng. Mình cho rằng những game thủ có điều kiện sẽ là đối tượng khách hàng của GT80 Titan và dĩ nhiên cái giá bạn bỏ ra và những gì bạn nhận được là khá xứng đáng. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm mình nghĩ chưa xứng bởi với mức giá này, bạn quyền đòi hỏi một chiếc màn hình đẹp hơn, phân giải cao hơn, bàn phím nhiều màu …

    Dưới đây là tóm tắt ưu nhược điểm:

    Ưu điểm:

    Thiết kế chắc chắn, hầm hố, cá tính

    Màn hình khá đẹp, góc nhìn rộng, độ sáng cao

    Âm thanh khá chất lượng

    Bàn phím cơ chất lượng, bàn rê nhạy, đa năng

    Cấu hình rất cao, nhiều tùy chọn

    Dễ nâng cấp

    Nhiều cổng kết nối cao cấp;

    Vận hành mát mẻ.

    Nhược điểm:

    Cồng kềnh, nặng, khó mang theo

    Màn hình không có tùy chọn phân giải cao hơn

    Loa hơi thiếu bass

    Bàn phím không thể tùy chọn màu hay vùng màu, bàn rê chưa hợp lý

    Pin kém

    Giá cao, khó tiếp cận người dùng.

     

    Viết bình luận của bạn
    1