Lưu ý để tránh tình trạng mua linh kiện về gắn không vừa trong thùng máy
Anh Điền
Thứ Hai,
18/10/2021
Chia sẻ một vài lưu ý để tránh tình trạng mua linh kiện về gắn không vừa trong thùng máy
Mua một con tản nhiệt cực ngầu về gắn máy để rồi cười mếu khi không đậy được nắp thùng case đúng là trớ trêu thật mấy bạn nhỉ? Chuyện mua linh kiện về để rồi gắn không vừa với thùng case là vấn đề chưa bao giờ cũ trong giới dân chơi PC. Chính vì thế mình luôn tuân theo một vài điểm lưu ý khi đi mua linh kiện cũng như lúc tư vấn cho anh em bạn bè để tránh tình trạng trên. Sau đây mình xin được chia sẻ những lưu ý đó, mong rằng chúng sẽ giúp ích cho mấy bạn.
Mua card đồ họa, tản nhiệt khí và mainboard nhớ kiểm tra xem có gắn vừa thùng case không
Có một sự thật phũ phàng là đa số những trường hợp mà loài người chúng ta mua linh kiện về gắn thùng case không vừa đều là do không chịu coi thông số kỹ mà ra cả. Các nhà sản xuất họ biết rất rõ vụ này nên ghi rất kỹ nên luôn ghi rõ ràng case của họ hỗ trợ card dài bao nhiêu, main to cỡ nào, chứa được con tản khí bự ra sao. Chỉ cần lưu ý kỹ vấn đề này thì bạn sẽ tránh được rất nhiều phiền phức liên quan đến vụ mua đồ về gắn không vừa case đấy.
Card đồ họa
Nói về card trước đi, vì mình thấy cái này nhiều người bị mà bản thân mình cũng từng bị rồi. Trên phần thông số kỹ thuật của card luôn có ghi rõ nó dài bao nhiêu. Trên thông số kỹ thuật của thùng case cũng sẽ ghi nó chứa được card dài bao nhiêu. Miễn là bạn chọn con card nào ngắn hơn mức tối đa mà case có thể chứa thì gắn vừa là cái chắc.
Tản nhiệt khí
Với tản khí cũng tương tự như card, trên phần thông số kỹ thuật của các mẫu case sẽ ghi rõ nó chứa được con tản cao bao nhiêu. Bạn chỉ cần nhớ mua loại tản nhiệt nào thấp hơn mức tối đa mà case có thể chứa thì gần như chắc chắn không cấn gì cả.
Tuy nhiên mình nói “gần như” ở đây tức là nó sẽ ổn trong hầu hết trường hợp thôi nhé. Vẫn có trường hợp thùng case chứa được tản nhưng tản lại to quá nên cấn vào thanh RAM kế bên. Vụ này thì do không có quy chuẩn chung nên mình cũng không có công thức để nói mấy bạn nghe được. Thế nên nếu mấy bạn có mua tản khí cỡ bự mà sợ nó cấn RAM thì nhớ tham khảo ý kiến của người có chuyên môn, điển hình như mấy ông nhân viên tư vấn ở cửa hàng bạn mua để họ cho ý kiến nhé.
Mainboard
Về mainboard thì cũng rất đơn giản. Mainboard chia làm các chuẩn kích thước khác nhau, các chuẩn phổ biến từ nhỏ đến lớn là Mini-ITX, Micro ATX và ATX. Đó là các chuẩn của Intel, sau này các hãng mainboard còn bày ra chuẩn kích thước E-ATX, to hơn cả ATX nữa.
Các nhà sản xuất case sẽ ghi rõ mainboard của bạn hỗ trợ được đến chuẩn mainboard nào. Thùng case chứa được mainboard to cỡ nào thì sẽ tương thích được tất cả mainboard cỡ nhỏ hơn. Ví dụ một chiếc case chứa được mainboard tối đa là cỡ ATX thì nó sẽ chứa được luôn Mini-ITX và Micro ATX. Ngược lại mainboard chỉ chứa được tới ATX thì bạn không thể nhồi con main E-ATX to đùng vào nó được.
Mua tản nhiệt nước AIO nhớ kiểm tra rad nước có gắn vừa case không
Rad là cách gọi tắt của từ “radiator” (két nước tản nhiệt) trên tản nhiệt AIO (all in one) hoặc tản nhiệt nước custom. Kích thước của rad tỉ lệ thuận với sức mạnh của một bộ tản nhiệt. Vì thế nên nhiều người có tâm lý chọn rad càng to càng tốt, tuy nhiên nhớ là không được vượt quá sức chứa của chiếc case, nếu không bạn sẽ phải đi mua cái case mới hoặc bán con tản vừa mua đấy.
Ví dụ một chiếc case ghi rõ hỗ trợ đến rad 240mm ở mặt trước case thì tức là nó sẽ gắn được rad 240mm (2 quạt 120mm) hoặc rad 120mm (1 quạt 120mm). Bạn mà mua cái tản AIO có rad 360mm là không nhét vào được đâu nhé.
Với tản nhiệt AIO thì do cụm bơm, block của nó nó nhỏ hơn nhiều so với khối tản khí nên rất ít khi xảy ra chuyện cấn RAM hay đội nắp case. Chỉ cần cái rad mà vào vừa được case thì xem như qua ải.
*Thông tin thêm
Quạt tản nhiệt có 2 kích thước phổ biến nhất là 120mm và 140mm. Rad nước của tản nhiệt cần phải gắn quạt tản nhiệt lên nên chúng cũng tuân theo tiêu chuẩn này. Các mẫu rad dùng quạt 120mm thường sẽ có bề ngang là 120mm. Bề dài thì là 120mm (1 quạt), 240mm (2 quạt) và 360mm (3 quạt). Tương tự, đối với các mẫu rad dùng quạt 140mm thì cũng ta sẽ có các kích thước phổ biến như 140mm, 280mm và 420mm.
Thường thì case gắn được rad dùng quạt 140mm thì sẽ hỗ trợ luôn rad dùng quạt 120mm. Ví dụ case gắn được rad 280mm thì cũng gắn được rad 240mm
Nhiều anh em dân chơi PC sẽ dùng số đo chiều dài để chỉ kích thước rad khi nói chuyện. Ví dụ rad 120, rad 240, rad 360, rad 140, rad 280, rad 420…
Mua tản nhiệt nhớ kiểm tra xem nó có vừa với socket trên main không
Vụ mua tản nhiệt về xong phát hiện ra nó gắn không vừa main tuy khá ít nhưng vẫn có nên mình nhắc mấy bạn cho chắc cú. Khi đi mua hoặc đặt mua tản nhiệt thì nhớ kiểm tra xem nó có cùng chuẩn socket với mainboard bạn hay không nhé, tản nước hay tản khí đều vậy nhen.
Mua thêm ổ cứng nhớ kiểm tra xem còn chỗ gắn không
Thường thì game thủ sẽ gắn 1 cái SSD để cài Windows và các game cần ưu tiên, sau đó dùng thêm 1 cái HDD để chứa game nặng. Vì thế nên thường thì chúng ta sẽ không dùng hết được chỗ gắn ổ cứng trên case. Tuy nhiên trong trường hợp bạn gắn nhiều ổ cứng hơn thế hoặc dùng những chiếc case mini thì nên xem xét cẩn thận xem có còn chỗ gắn không nhé. Các mẫu case sẽ luôn có ghi là nó chứa được bao nhiêu ổ 2.5inch và bao nhiêu ổ 3.5inch. Nếu hết chỗ gắn thì bắt buộc bạn phải chế thêm thôi.
Như mình thì có lần mình nhét con SSD 2.5inch trong mớ bùi nhùi dây nguồn do case vừa phèn vừa chật không có chỗ gắn. Mình để cả mấy tháng như vậy cho đến khi mình mua được cái case xịn hơn để gắn nó lên giá đỡ một cách tử tế.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp mấy bạn tránh được những việc như tản dội nóc case hay case không chứa vừa card. Cảm ơn mấy bạn vì đã quan tâm theo dõi nhé.