Thử nghiệm Intel Arc A750 Limited Edition
Phạm Minh Quang
Thứ Sáu,
07/04/2023
Cuối cùng sau bao nhiêu ngày chờ đợi thì mình cũng đã có mẫu card Intel Arc A750 để dùng thử và chia sẻ với anh em. Trong dòng sản phẩm Alchemist GPU hiện tại thì Arc A750 là lựa chọn nằm ở phân khúc tầm trung, đứng ngay sau Arc A770, có giá tham khảo trên Amazon là khoảng 285 USD (MSRP là 289 USD). Nếu mua ngay trên web Intel, anh em chỉ cần chi ra 249 USD, giảm 40 USD so với giá đề xuất. Mức giảm này được Intel áp dụng từ đầu tháng 2/2023. Đối thủ mà Arc A750 nhắm tới là RX 6600 XT của đội đỏ cũng như RTX 3060 phía đội xanh.
Intel đóng gói Arc A750 Limited Edition trong hộp màu xanh đặc trưng, với dòng chữ tên sản phẩm rất lớn, nhìn chung đơn giản nhưng dễ nhận diện. Mặt sau hộp có vài thông tin về yêu cầu cấu hình tối thiểu như khe cắm PCIe x16, bộ nguồn công suất từ 600 W trở lên với 1 đầu PCIe 8 pin và 1 đầu PCIe 6 pin, bộ nhớ trong 8 GB. Đặc biệt, đồ họa rời Intel cần kích hoạt tính năng Resizable BAR để có thể hoạt động tốt nhất, vì vậy máy tính của anh em cần chạy vi xử lý Intel Core thế hệ 10 trở lên và mainboard hỗ trợ tính năng này. Đối với AMD, vi xử lý từ Ryzen 5000 Series trở lên (hoặc 1 vài mẫu Ryzen 3000 Series), nền tảng mainboard AMD 500 Series chipset hỗ trợ Smart Access Memory. Phần hệ điều hành sẽ là Windows 10/11 x64. Sản phẩm trong bài viết này được sản xuất tại Malaysia.
Arc A750 nói riêng hay Alchemist GPU nói chung hiện tại chưa có nhiều biến thể cho người dùng lựa chọn như AMD hay NVIDIA. Điều này cũng dễ hiểu vì Intel vừa bước chân vào thị trường đồ họa rời, thị phần còn thấp và các đối tác AIB cũng phải dự đoán sự đón nhận của người dùng. Phiên bản trong bài này là do chính Intel sản xuất, tên gọi là Arc A750 Limited Edition, tương tự như MBA (Made By AMD) hay Founders Edition từ NVIDIA vậy. Những sản phẩm này còn được gọi là card tham chiếu (reference).
QUẢNG CÁO
Intel Arc A750 Limited Edition có thiết kế bên ngoài toàn đen, mặt trước phủ lớp cao su mỏng cho cảm giác chạm rất đã tay. Card trang bị 2 quạt làm mát hướng trục (axial) kích thước 90 mm, 15 cánh, trong quá trình hoạt động khá êm ái. Được biết phần tản nhiệt và quạt là do đối tác Cooler Master cung cấp.
Khối tản nhiệt chính gồm các lá nhôm, bên dưới là 4 heatpipe dẹp 10 mm x 3 mm dẫn nhiệt từ buồng hơi (vapor chamber) bằng đồng tiếp xúc trực tiếp với GPU ACM-G10 cũng như các chip nhớ.
Khung chính của tản nhiệt cũng như góp phần gia cố cho PCB và toàn bộ card làm bằng nhôm, đúc khuôn (die cast). Cảm giác sờ vào bộ khung card rất “đã”, nó cứng cáp và lì, hoàn thiện bóng mờ, độ dày khoảng hơn 1 mm. Ở đuôi card có sẵn 4 lỗ ốc ren M3, sẵn sàng để gắn thêm các khung đỡ card trong những hệ thống hỗ trợ.
Ngoài 75 W từ khe cắm PCIe trên mainboard, Intel Arc A750 Limited Edition còn cần cấp thêm nguồn phụ từ 1 đầu PCIe 6+2 pin và 1 đầu PCIe 6 pin. Yêu cầu này cũng tương tự với mẫu cao nhất là Arc A770.
QUẢNG CÁO
Là phiên bản thấp hơn trong dòng card đồ họa rời Arc Alchemist, Intel không trang bị đèn LED RGB cho Arc A750, thay vào đó chỉ có đèn LED trắng ở logo Intel Arc ngay hông card. Sự kết hợp giữa nhựa đục tản sáng LED và khung nhôm đúc khuôn cho thấy mức độ chính xác, tỉ mỉ trong quá trình hoàn thiện sản phẩm. Những chi tiết mang tính cơ khí như thế này trên các mẫu card đồ họa tham chiếu luôn khiến mình thích thú lúc khám phá.
Các cổng xuất tín hiệu hình ảnh trên Arc A750 gồm 3 cổng DisplayPort 2.0 và 1 cổng HDMI 2.1. Đây cũng là GPU đầu tiên có giao tiếp DisplayPort 2.0 native, cho phép xuất hình ảnh ở độ phân giải 8K @ 60 Hz dễ dàng.
Điểm mình vừa thích vừa không thích trên Intel Arc A750 Limited Edition là hoàn toàn không có bất kỳ dấu hiệu hiện diện nào của ốc vít (trừ khu vực back I/O). Thích là vì nhìn tổng thể card rất bí ẩn, rất liền lạc, cho cảm giác cao cấp sang trọng. Không thích là vì khá khó để tháo gỡ hay tiếp cận những thành phần bên trong, ngay cả cho mục đích đánh giá hay sửa chữa.
Ốp lưng hay backplate của Arc A750 Limited Edition là 1 tấm kim loại mỏng, có hoa văn và tên sản phẩm, đơn giản và đẹp. Backplate cố định với khung bằng keo dán, do đó nếu muốn tháo gỡ, anh em hoặc chấp nhận không còn nguyên vẹn phần keo, hoặc sử dụng máy khò nhiệt để lớp keo chảy ra trước khi thao tác.
Intel Arc A750 Limited Edition dựa trên nền tảng kiến trúc Xe HPG, sản xuất với tiến trình TSMC N6, gồm 7 Render Slice, 28 nhân Xe, 28 đơn vị Ray Tracing, 448 Intel XMX (Xe Matrix Extensions) Engine, hoạt động ở xung 2050 MHz, boost 2400 MHz và mức TBP (Total Board Power) 225 W. GPU sở hữu 3584 đơn vị đổ bóng, 224 TMU (Texture Mapping Unit), 112 ROP, 16 MB bộ đệm L2. Intel trang bị cho Arc A750 bộ nhớ đồ họa GDDR6, dung lượng 8 GB, độ rộng 256 bit, tốc độ 16 Gbps cho băng thông 512 GBps. Con chip có diện tích đế 406 mm2, chứa 21.7 tỉ transistor, mật độ bán dẫn 53.4 triệu mỗi mm2.
Tính đến hiện tại thì Intel đã có những bước tiến mới về trình điều khiển cho card. Driver mới nhất (phiên bản 31.0.101.4146) ra mắt vào ngày 22/2/2023 đã dễ sử dụng hơn, trực quan và cho phép tinh chỉnh nhiều thứ. Điều đặc biệt là người dùng có thể trực tiếp ép xung card ngay trong Intel Arc Control thay vì phải sử dụng các công cụ khác. Performance Tuning cho phép điều chỉnh tăng tốc hiệu năng, tăng điện thế, nâng giới hạn công suất GPU. Ngoài ra, phần mềm cũng có hỗ trợ hiển thị overlay trong game để người dùng dễ dàng theo dõi thông số.
Cấu hình thử nghiệm
- CPU: Intel Core i9-13900KS
- Mainboard: ASUS ROG Maximus Z790 Extreme
- RAM: KLEVV CRAS XR5 RGB DDR5-6200 32 GB (2 x 16 GB)
- Cooler: ASUS ROG RYUO III 360 ARGB White Edition
- VGA: Intel Arc A750 Limited Edition
- SSD: Kingston KC3000 1 TB
- PSU: CORSAIR RM1200x SHIFT
Mình cho Arc A750 Limited Edition chạy FurMark trong 10 phút để tìm ra nhiệt độ hoạt động cao nhất là bao nhiêu. Môi trường thử nghiệm là phòng có máy lạnh, nhiệt độ khoảng 28 độ C. Trong suốt thời gian này, độ ồn từ quạt phát ra là không đáng kể, êm ái dù tốc độ vào khoảng 1850 RPM. Kết quả card ổn định ở ngưỡng 72 độ, riêng chip nhớ là 74 độ.
Ở những phép thử tổng hợp, Intel Arc A750 Limited Edition có điểm số vượt mặt AMD Radeon RX 6700 XT, chỉ thua khoảng 6% so với RTX 3060 Ti của NVIDIA. Ngay từ khi thử nghiệm Arc A380, GPU của Intel cho thấy được sức mạnh khá tốt nhưng do vấn đề về tối ưu driver, khả năng của nó chỉ thể hiện đúng mức với synthetic benchmark. Không khó để lý giải cho điều này vì các phép thử tổng hợp có mã được viết theo những tiêu chuẩn nhất định, thống nhất và số lượng không nhiều, vì vậy nó không bị ảnh hưởng bởi khả năng tối ưu hay tương thích. Trong khi đó game lại là 1 phạm trù khác, rộng lớn hơn và nhiều nhà phát triển, đi theo những phong cách khác nhau, do đó vấn đề lớn nhất của Intel đối với driver là thời gian, họ cần thêm nhiều thời gian để tối ưu.
3DMark là phép thử tổng hợp không xa lạ gì với người dùng máy tính, nhất là những anh em có biết về game hoặc phần cứng. Phần mềm 3DMark do UL cung cấp, gồm nhiều phép thử trải dài qua các tính năng cũng như tập lệnh đồ họa khác nhau, từ đó cho khả năng linh hoạt khi cần đánh giá sức mạnh đồ họa hay tính toán trong nhiều tình huống. Thông thường khi đánh giá card đồ họa, mình sẽ sử dụng phép thử Time Spy (Extreme, Ultra) để kiểm tra khả năng xử lý thuần API DirectX 12; Port Royal để thử khả năng đáp ứng các tựa game ray tracing hiện tại kết hợp với đồ họa DirectX.
Cyberpunk 2077 không chỉ là 1 tựa game đơn thuần mà còn có thể coi là tác phẩm nghệ thuật, được game thủ mong chờ nhất năm 2020. Cyberpunk lấy bối cảnh vào năm 2077 tại Night City - 1 thành phố phồn vinh nhưng không kém phần hỗn loạn. Người chơi nhập vai nhân vật V, nghề nghiệp là lính đánh thuê, sở hữu khả năng chiến đấu cận chiến và tầm xa, cũng như học được các kỹ năng hack và vận hành máy móc. Mục đích có cơ thể bất tử, V dấn thân vào những cuộc chiến, thực hiện phi vụ trên khắp thành phố để hiện thực ước mơ.
Phần thứ 6 của Far Cry Series lấy bối cảnh tại Yara, một hòn đảo hư cấu vùng Caribe (lấy cảm hứng từ Cuba và có thể coi là sân chơi Far Cry lớn nhất) nằm dưới sự cai trị của chế độ độc tài "El Presidente" Antón Castillo, kẻ đang nuôi dạy đứa con trai tên Diego tuân theo sự cai trị của hắn. Game thủ sẽ vào vai 1 chiến binh du kích mang tên Dani Rojas, cố gắng lật đổ Castillo và chế độ này.
Với Deathloop, game thủ sẽ nhập vai Colt Vahn, một người mắc kẹt trên hòn đảo Blackreef trong vòng lặp thời gian. Vài chục năm trước, Blackreef được Egor Serling, một nhà khoa học phát hiện ra có thể tạo ra những đứt gãy không gian - thời gian, dẫn đến việc có những người trải nghiệm một ngày lặp đi lặp lại. Vậy là nhà khoa học ấy thành lập chương trình Aeon để nghiên cứu cách lợi dụng đứt gãy trải nghiệm được trên hòn đảo này để… biến con người trở thành bất tử. Serling kết hợp với những người khác để triển khai chương trình Aeon, ví dụ như Wenjie Evans, khoa học gia tạo ra vòng lặp, Aleksis Dorsey, người cấp vốn cho chương trình, hay Harriet Morse, kẻ đứng đầu giáo phái Eternalist, quy tụ những thành viên muốn trở nên bất tử hoặc chỉ thích tiệc tùng chè chén không có ngày mai (vì ngày mai giống hệt hôm trước thì sợ gì). Tổng cộng, có 8 thành viên mà Colt cho rằng, để vòng lặp đứt gãy, đưa anh trở lại cuộc sống bình thường thì chỉ cần giết đủ 8 con người này là xong.
Nhìn chung, Intel Arc A750 Limited Edition là 1 mẫu card đồ họa đẹp, sẽ đẹp hơn nữa nếu đó là Arc A770 Limited Edition nhờ đèn LED RGB, tuy nhiên A750 vẫn có điểm nhấn riêng của nó. Card phù hợp với những anh em thích vẻ đẹp của sự đơn giản, cứng cáp, hay những ai thích sưu tầm sản phẩm tham chiếu. Chất lượng hoàn thiện của card theo mình là tốt, nhưng bù lại sẽ bị vấn đề về tháo lắp và sửa chữa. Trong quá trình hoạt động, kể cả khi stress test, Intel Arc A750 Limited Edition khá êm ái, nhiệt độ không cao. Hiệu năng của sản phẩm với bản driver mới nhất đã được cải thiện nhiều, có thể so kè cùng Radeon RX 6600 XT, GeForce RTX 3060, trong 1 vài trường hợp thậm chí còn tiệm cận RX 6700 XT và RTX 3060 Ti. Mình nghĩ trong tương lai, khi mà Intel đã ổn định và hoàn thiện hơn phần driver, Arc Alchemist GPU sẽ tới lúc trở về đúng với hiệu năng vốn có.